Lịch sử hình thành Lực lượng Phòng vệ Phần Lan

Thời kỳ thuộc Thụy Điển

Giai đoạn từ năm 1100-1809, Phần Lan nằm dưới sự thống trị và toàn bộ lãnh thổ hiện nay của Phần Lan từng là một phần thuộc về Đế quốc Thụy Điển. Trong suốt thế kỷ 17, Thụy Điển phát triển lớn mạnh như một quốc gia hùng mạnh có tầm ảnh hưởng trong khu vực, song song với việc mở tầm ảnh hưởng, sức mạnh quân sự cũng được nâng lên ngang tầm nên việc quân đội được mở rộng không ngừng. Do cần duy trì sự hiện diện và giữ vững ảnh hưởng của mình, quân đội Thụy Điển đã thu dụng rất nhiều quân sĩ có nguồn gốc Phần Lan. Những người lính Phần Lan này có mặt ở khắp mọi nơi trong đế chế và những nơi nó đặt quyền kiểm soát tận Trung Âu. Những người lính Phần Lan chủ yếu là kỵ binh thường hô vang ‘Hakkaa päälle’ có nghĩa là ‘Chặt chúng nó’ khi xung trận đã trở thành nổi tiếng trên chiến trường.[10]

Trong thời kỳ Nội chiến

Thống tướng Phần Lan Gustaf Mannerheim

Phần Lan tách ra khỏi Đế quốc Nga và trở thành quốc gia độc lập với bản tuyên ngôn độc lập vào ngày 6 tháng 12 năm 1917, Bạch vệ trở thành lực lượng quân sự cho chính phủ vào ngày 25 tháng 1 năm 1918. Trung tướng Carl Gustaf Emil Mannerheim thuộc lực lượng Quân đội Hoàng gia Nga được chỉ định làm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Phần Lan.[11]

Nội chiến Phần Lan nổ ra giữa Bạch quânHồng quân tại Viipuri, Bạch quân nhanh chóng giành được những thắng lợi quan trọng, phần lớn nhờ vào sự lãnh đạo và chỉ huy của tướng Mannerheim và lực lượng khoảng 1,800 lính đến từ nhánh Jäger Phần Lan, nhóm lính chuyên biệt được huấn luyện theo phong cách chiến đấu và học thuyết quân sự kiểu Đức. Hiệp ước Tartu được ký kết giữa Phần LanNga Xô viết đặt dấu chấm hết đối với nền bảo hộ của nhà nước Nga trên toàn lãnh thổ Phần Lan dưới hình thức tự trị cũng như kết thúc nỗ lực của nước Nga Xô viết trong việc tiếp tục giữ Phần Lan như một thực thể thuộc Liên bang Xô viết. Các dữ kiện liên hợp với nhau góp phần thành lập nên nhà nước độc lập của Phần Lan dưới sự công nhận quốc tế.

Giai đoạn hòa bình tạm thời

Trong xuyên suốt thời điểm hòa bình, lực lượng quân đội Phần Lan được cơ cấu và tổ chức với ba sư đoàn và một quân đoàn với chỉ huy là sĩ quan Đức và nó trở thành hình mẫu cho quân đội Phần Lan trong 20 năm tiếp theo. Không quân được thành lập vào tháng 3 năm 1918 nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng máy bay và quân số nên chỉ có thể là một phần trong Lục quân cho đến năm 1928. Bạch quân đóng một vai trò quan trọng trong chính sách quốc phòng của Phần Lan về cả chính quy và phi chính quy trên bộ, biên giới với địa hình và địa lý phức tạp do tổ chức đơn giản và dễ huy động.[11]

Tân Chính phủ đưa ra điều luật mới trong đó việc thi hành nghĩa vụ quân sự mang tính bắt buộc với mọi công dân là nam giới trong độ tuổi có thể chiến đấu (thường là từ 16 – 60 tuổi). Sĩ quan quân đội được đào tạo bài bản, chính quy hơn trong học viện quân sự còn được gọi là Kadettikoulu thành lập vào năm 1919, tiếp theo đó là Học viện Sĩ quan Chỉ huy Sotakorkeakoulu vào năm 1924 và trường quân sự đặc huấn Taistelukoulu năm 1927 dành cho sĩ quan cấp đại đội và trung đội cũng như các hạ sĩ quan.

Giai đoạn Thế chiến thứ hai

Quân nhân Phần Lan trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 1939-1940

Bắt đầu từ 30 tháng 11 năm 1939 đến 13 tháng 3 năm 1940, quân đội Phần Lan tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trước cuộc xâm lược của Liên Xô được biết đến với tên gọi Chiến dịch Mùa Đông. Phần Lan đã chiến đấu dũng cảm trước quân đội Liên Xô hơn rất nhiều về mọi mặt, từ nhân lực, vật lực, tài lực mà gần như không có bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể từ bất kỳ quốc gia nào, ngay cả từ Đức Quốc Xã vốn ủng hộ Phần Lan rất lớn trên mặt trận ngoại giao.

Tuy gặp hạn chế trên nhiều phương diện, Phần Lan vẫn giành được nhiều chiến thắng quan trọng trong suốt cuộc chiến vốn gây ra tổn thất rất to lớn đối với Hồng quân trong đó đến thời điểm đình chiến, Phần Lan chỉ mất khoảng 26,00 lính, trong khi phía Liên Xô mất hơn 100,000 quân, trong đó nếu so sánh dân số khoảng 4 triệu người của Phần Lan với khoảng 200 triệu dân của phía Liên Xô cho thấy khả năng chiến đấu và tính hiệu quả trong chiến thuật của quân đội Phần Lan.[10]

Quân đội Phần Lan dù được đích thân Nguyên soái Mannerheim chỉ huy và giành rất nhiều thắng lợi, trong đó có Chiến dịch Suomussalmi, tuy nhiên Phần Lan phải đánh mất gần 9% lãnh thổ cho Liên Xô trong Hòa ước Moskva ký kết năm 1940 để đổi lấy nên hòa bình tạm thời.[12]

Buổi cầu nguyện mùa Giáng sinh năm 1939 của trung đoàn dưới sự chỉ huy của Trung úy Aarne Juutilainen

Để giành lại phần lãnh thổ đã mất, Phần Lan tham gia liên minh quân sự với Đức vào mùa hè năm 1941, viên trợ về vũ khí và khí tài từ Đức cùng với quân lực được kêu gọi nhập ngũ từ trước đó hai năm đã giúp Phần Lan hình thành nên 16 sư đoàn bộ binh, cơ giới góp phần gia tăng sức mạnh quân sự. Phần Lan nhanh chóng thu hồi toàn vẹn lãnh thổ và đưa quân vào cả khu vực Karelina Xô viết. Nhưng khi quân Đức rơi vào tình thế xấu đi, đặc biệt việc thất bại từ sau Chiến dịch Barbarossa, Liên Xô nhanh chóng mở mặt trận tổng tấn công lên Phần Lan. Giao tranh diễn ra quyết liệt trong thế giành co giữa hai bên chiến tuyến, đặc biệt là việc Liên Xô muốn giành lại toàn bộ phần lãnh thổ đã được nhượng trong hiệp ước trước đó mà còn đập tan hoàn toàn khả năng chiếu đấu của quân đội Phần Lan thông qua Chiến dịch Vyborg–Petrozavodsk. Tuy nhiên, quân đội Phần Lan đã chiến đấu, phản công và phòng thủ rất tốt trên nhiều chiến tuyến, điều này được chứng minh bằng thành công trong trận Tali-Ihantala. Điều này đã buộc Liên Xô ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hòa ước Moskva (1944) bằng việc chấm dứt chiến sự, trong đó Phần Lan trả lại những phần lãnh thổ được ký kết trước đó, cũng như nhượng thổ tạm thời một phần lãnh hải, hải đảo, đổi lại Phần Lan tránh được việc phải trở thành quốc gia vệ tinh dưới sự kiểm soát của Moskva. Cuộc chiến kết thúc với tổn thất lớn ở cả hai phía với khoảng 60,000 quân Phần Lan và 200,000 quân Liên Xô.[10]

Giai đoạn Chiến trạnh Lạnh và Hiện đại

Sau hiệp đinh Paris, dưới sức ép từ Moskva khi đó đang nắm quyền lãnh đạo Ủy ban Kiểm soát thuộc Khối Đồng minh, Phần Lan phải giải giáp và tái cơ cấu lại các lực lượng quân sự và chuyển đổi từ quân đội thành Lực lượng Phòng vệ. Phần Lan chỉ được phép phân bổ, cấu trúc rất hạn chế cả về số lượng quân nhân và quân khí chỉ đủ làm nhiệm vụ bảo vệ, các lực lượng dân quân, hiến quân đều phải giải tán và không cho phép thành lập mới. Tuy nhiên, quân dự bị động viên không nằm trong các điều khoản thuộc hiệp định tạo ra cơ sở tiền đề cho phép huấn luyện nhân sự có thể sẵn sàng chiến đấu trong số lượng được phép theo từng năm. Các sư đoàn bị giải giáp được phân tách và tái hợp dưới các lữ đoàn độc lập nhỏ khác nhau.[13]

Hiệp ước Phần Lan – Xô Viết năm 1948

Sau gần hai thập kỷ kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai trải dài đến suốt những năm 60, lực lượng phòng vệ chỉ được trang bị và huấn luyện với quân khí và chiến lược đã lỗi thời, ngân sách quốc phòng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi tiêu chính phủ. Khởi điểm cao trào từ chiến tranh lạnh đã thúc đẩy chính quyền Phần Lan xem xét nghiêm túc hơn trong nỗ lực gia tăng ngân sách dành cho khu vực quân sự và cho phép Bộ quốc phòng được mua sắm, nhập nhiều loại vũ khí, hệ thống chiến đấu mới giúp nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia, đặc biệt là khu vực Lapland khi chính phủ cho phép thành lập một lực lượng đồn trú chính quy nhằm đảm bảo khả năng bảo vệ khu vực quan trọng phía bắc này. Từ nằm 1968 trở về sau, chính phủ đề cao về học thuyết quân sự mới với tên gọi là phòng thủ địa hình, do địa giới và độ đa dạng từ rừng núi dày đặc, tuyết, mặt băng bao phủ thường xuyên trong địa hình rộng lớn, trải dài giúp tăng hiệu quả phòng vệ, có thể gây thương vong lớn cho đối phương và vẫn bảo toàn được lực lượng của chính mình. Học thuyết mới này đáp ứng được nhu cầu quan trọng trong thế trận quốc phòng toàn dân giúp chính phủ có thể tiếp cận được mọi nguồn lực trong xã hội trong các tình huống khủng hoảng quốc gia như chiến tranh, xung đột. Phần Lan kiên trì và mở rộng hơn với chiến thuật phòng thủ toàn dân nay, đặc biệt khi khu vực rơi vào khủng hoảng trước sự kiện Tiệp Khắc năm 1968, song song với việc chính phủ Phần Lan kiên quyết chọn tránh liên kết, liên hiệp hay liên minh với bất kỳ bên nào, và duy trì tính trung lập nhằm giữ Phần Lan đứng ngoài bất kỳ cuộc chiến nào.

Xuyên suốt qua nhiều cuộc chiến tranh và xung đột, đặc biệt là xung đột xảy ra dai dẳng với Liên Xô đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành chính sách quốc phòng của Phần Lan, cũng như đến định hướng phát triển của Lực lượng Phòng vệ. Tại một số thời điểm, các quốc gia láng giềng, hoặc trong khối châu Âu cắt giảm quân số, chi tiêu quốc phòng, nhưng lực lượng phòng vệ Phần Lan vẫn giữ một lượng lớn quân dự bị động viên. Với đường biên giới dài hơn 1300 km với Nga, việc giữ một lực lượng lớn như vậy là điều có thể hiểu được, có lẽ với thương vong chiếm gầm 2% dân số trong các cuộc chiến với Liên Xô trước đó luôn là một nổi ám ảnh trong việc bảo vệ lãnh thổ của Phần Lan.[14].

Trong hiện tại, ba quân chủng thuộc lực lượng có nhiều thay đổi về chủng loại khí tài, quân dụng trong đó có việc mua sắm máy bay chiếu đấu hiện đại F-35 thay thế đội bay F-18 với hợp đồng lên đến 10 tỉ euro dành cho Không quân, bổ sung tàu chiến đấu lớp Pohjanmaa trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải, nâng cấp xe chiếu đấu bộ binh lên cấp Patria XA-300. Bộ binh được trang bị súng chiến đấu tự động RK 62hệ thống phòng không David’s Sling thuộc Tập đoàn Công nghệ Quốc phòng Rafael.[15][16][17][18][19][20]

Cuộc chiến tại Ukraina đã làm thay đổi toàn diện môi trường an ninh trên toàn châu Âu, cũng như thúc đẩy chính phủ và nhân dân Phần Lan mong muốn gia nhập NATO nhanh hơn, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng ủng hộ và kêu gọi các thành viên khác chấp nhận Phần Lan trở thành thành viên của tổ chức.[21][22]. Rất nhiều tiếng nói giữa các nghị sĩ, thành viên chính phủ cũng như các khảo sát trong nhân dân với sự đồng thuận rất cao về việc Phần Lan nên gia nhập NATO, “Cuộc chiến mùa Đông trong Thế chiến thứ hai với việc Hồng quân Xô viết chiếm đoạt trắng trợn lãnh thổ dựa trên những điều ước, điều khoản bất bình đẳng và việc tạo áp lực buộc chúng ta phải chấp nhận trở thành một nước trung lập không liên minh, liên kết. Điều này không làm giảm ý chí của Phần Lan trong việc xây dựng lực lượng phòng thủ đủ mạnh để đảm bảo an ninh, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng là kết quả từ một xã hội dân chủ, nhân dân làm chủ, song song với việc hoàn thành công tác đối thoại với Moskva.” [23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lực lượng Phòng vệ Phần Lan http://www.flightglobal.com/news/articles/finland-... http://www.defmin.fi/files/3809/National_Report_of... http://findikaattori.fi/en/100 http://findikaattori.fi/en/77 http://findikaattori.fi/en/99 http://www.mil.fi/varusmies/arvomerkki/index_en.ds... http://www.puolustusvoimat.fi/en/ http://www.puolustusvoimat.fi/en/Defence_Forces/In... http://www.puolustusvoimat.fi/portal/puolustusvoim... http://www.puolustusvoimat.fi/portal/puolustusvoim...